
NẾU KHÔNG CÓ 5 TRIỆU ĐÔ LA ĐỂ MUA THẺ VÀNG THÌ ĐÂU LÀ CÁCH ĐỂ TRỞ THÀNH CÔNG DÂN MỸ?
Quả không hổ danh là một người lãnh đạo với phong cách doanh nhân, tổng thống Donald Trump – người bán hàng vĩ đại nhất thế giới hiện tại vừa thông báo sẽ khởi động chương trình nhập cư mới vào ngày 25/2 vừa qua.
Theo đó, Washington sẽ cho ra mắt một loại Visa nhập cư chưa từng có, với giá bán là 5 triệu đô la Mỹ, được gọi là “gold card.” Nói đơn giản, nếu bạn có 5 triệu đô la Mỹ, bạn có thể “mua” 1 tấm thẻ xanh thường trú nhân của Mỹ, kèm theo quyền lợi để trở thành công dân Mỹ sau 5 năm như những người người có thẻ xanh khác.
Cũng theo tổng thống Trump, visa mới này cũng sẽ thay thế cho chương trình EB-5 hiện tại từ đầu tháng 3 năm 2025. Trong chương trình EB-5, bạn cần đầu tư từ tối thiểu $800,000 đến $1 triệu đô la Mỹ vào 1 công ty của Mỹ, thì bạn sẽ nhận được 1 tấm thẻ xanh thường trú nhân của Mỹ. Nhưng với sự ra đời của “thẻ vàng” thì bạn phải cần 5 triệu đô la mới có được 1 tấm thẻ xanh quyền lực. Đây là số tiền mà kể cả trong mơ nhiều người cũng không dám nghĩ đến!
Vậy nếu bạn không thuộc nhóm “siêu giàu” để có thể bỏ ra 5 triệu đô la cho 1 tấm thẻ xanh, nhưng bạn vẫn muốn trở thành công dân Mỹ, thì bạn có thể làm gì?
1. Kết hôn với công dân/thường trú nhân Mỹ
Đây là một trong những cách phổ biến, “kinh tế” và nhanh chóng nhất để trở thành công dân Mỹ.
Người nước ngoài kết hôn với công dân Mỹ có thể xin thẻ xanh (thường trú nhân) thông qua diện bảo lãnh vợ/chồng (CR1/IR1). Sau khi trở thành thường trú nhân, bạn có thể nộp đơn xin nhập tịch sau 3 năm nếu vẫn duy trì hôn nhân.
Tuy nhiên, con đường này dần bị biến tướng và bị một số kẻ gian lợi dụng nhằm mục đích lách luật để lấy thẻ xanh. Chính vì vậy, các cặp đôi kết hôn qua con đường này thường bị xem xét hồ sơ một cách chặt chẽ và dễ bị từ chối nếu nghi ngờ kết hôn giả.
2. Gia đình bảo lãnh
Công dân Mỹ hoặc thường trú nhân có thể bảo lãnh người thân (cha mẹ, con cái, anh chị em) để nhận thẻ xanh, sau đó người được bảo lãnh có thể xin quốc tịch sau 5 năm cư trú liên tục.
Dạng visa này có ưu điểm là có thể bảo lãnh cho nhiều đối tượng thân nhân, không yêu cầu kỹ năng hay tài chính lớn, bên cạnh đó thì quy trình pháp lý cũng rõ ràng và ít rủi ro gian lận.
Tuy nhiên, phụ thuộc vào hạn ngạch visa hàng năm và quốc tịch của người nộp đơn mà thời gian chờ đợi có thể rất dài.
Ví dụ nếu bạn là cha/mẹ công dân Mỹ (IR5) và bạn muốn bảo lãnh cho các con bạn thì chỉ cần mất 1-2 năm để con bạn có thể có thẻ xanh. Nhưng cùng là tấm thẻ xanh ấy, nếu bạn muốn bảo lãnh anh chị em của mình, người đó có thể sẽ phải chờ suốt 12-15 năm để có được.
3. EB-3 (Visa lao động định cư) Employment-Based Third Category
Ngoài 2 dòng visa trên thì EB-3 là một trong những con đường phổ biến nhất mà người Việt thường theo để có quốc tịch Mỹ.
Đây là chương trình visa lao động có tay nghề, lao động chuyên môn, và lao động phổ thông được một công ty Mỹ bảo lãnh qua làm toàn thời gian.
Chương trình này đã được chính phủ Mỹ thông qua từ năm 1990. Mục đích là để cung cấp lao động phổ thông nước ngoài làm việc tại các khu vực ở Mỹ mà người bản xứ không đủ để đáp ứng.
Thế nên, mặc dù kèm theo hạng mục “lao động chuyên môn và có tay nghề”, hầu hết visa đều được cấp cho hạng mục lao động phổ thông – làm trong các hãng, xưởng giết mổ gia súc, gia cầm, đóng gói thực phẩm, lắp ráp điện tử, v.v. Mình biết khá nhiều gia đình bác sĩ Việt Nam đã lựa chọn đi theo con đường này và qua Mỹ làm với mức lương chỉ từ 30-40k USD 1 năm.
Vì đòi hỏi được một công ty ở Mỹ bảo lãnh, nên bạn sẽ phải phụ thuộc làm việc cho công ty đó. Trong vòng 5 năm, Sở Di trú Mỹ có quyền điều tra đối với những trường hợp nghỉ việc sớm và sẽ thu hồi thẻ xanh nếu cho rằng có gian lận.
Sau khi nhận thẻ xanh, người lao động có thể xin quốc tịch sau 5 năm cư trú, và có thể tự do làm việc ở những công ty khác.
Thời gian để hoàn tất hồ sơ có thể giao động từ 3-4 năm hoặc hơn, tuỳ vào số lượng người đăng ký và thời gian xử lý hồ sơ.
Nó cũng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác mà bạn không kiểm soát được như: ảnh hưởng bởi chính sách nhập cư (nếu có sự thay đổi chính quyền sau bầu cử), quy trình chứng nhận lao động, phía công ty bảo lãnh, v.v.
Chi phí dịch vụ cho con đường này cũng không rẻ – có thể lên tới $75,000 cho 1 gia đình. Tỉ lệ rủi ro cũng khá cao – ở tất cả các khâu của hồ sơ – từ giấy tờ đến phỏng vấn. Và dĩ nhiên, chi phí dịch vụ sẽ không được hoàn trả.
Mỗi năm chương trình EB – 3 được giới hạn cho 40,000 visa/năm, và theo số liệu từ Visa Bulletin thì Việt Nam chỉ nhận được 1171 EB-3 visa cho năm 2024, giảm gần 35% so với 2023 (~1800 hồ sơ).
Thời gian chờ duyệt cũng kéo dài hơn khi mà liên tục vài tháng bản tin visa bulletin đứng im, chứng tỏ hồ sơ EB3 hiện tại nộp đang rất nhiều và bị tồn đọng đáng kể.
4. Nội trú y khoa và trở thành bác sĩ tại Mỹ
Đây là con đường dành riêng cho các sinh viên Y/bác sĩ tại Việt Nam muốn qua Mỹ định cư và được phát triển sự nghiệp đúng chuyên môn và được trả lương như một bác sĩ chính quy khi làm việc tại Mỹ.
Với chương trình này, bạn sẽ cần 3-4 năm để chuẩn bị cho hồ sơ ứng tuyển vào nội trú Y Khoa Mỹ. Hồ sơ gồm có – 3 kỳ thi USMLE – step 1, step 2 CK, và step 3; tham gia nghiên cứu khoa học, tình nguyện, thực tập lâm sàng tại Mỹ, bài luận cá nhân, và phỏng vấn.
Sau khi được nhận vào 1 chương trình nội trú Y Khoa Mỹ, bạn sẽ nhận được visa J1. Sau khi hoàn thành 3-7 năm đào tạo (tuỳ thuộc vào chuyên khoa bạn chọn), bạn sẽ đăng ký để lấy visa H1-B (dòng visa dành cho lao động có tay nghề cao). Sau đó, thẻ xanh và quốc tịch chỉ còn là vấn đề thời gian đối với bạn.
Điều đáng nói là ngay trong thời gian đào tạo nội trú Y khoa Mỹ, bạn đã được trả lương và nhận được các quyền lợi khác của người lao động tại Mỹ (bảo hiểm sức khoẻ, ngày nghỉ phép, quỹ hưu trí, v.v.) – lương khởi điểm năm 1 là $65 ngàn/năm, và tăng lên theo từng năm. Sau khi đã trở thành bác sĩ chính thức mức lương của tối thiểu của bạn là $250,000/năm (con số thực tế còn cao hơn rất nhiều tuỳ chuyên khoa, khả năng, và sự cố gắng của bạn).
Tuy đòi hỏi phải đầu tư thời gian, công sức, và tiền bạc ban đầu cho quá trình chuẩn bị hồ sơ, một khi thành công, thành quả là vô cùng xứng đáng.
Bạn sẽ có được một công việc theo đúng đam mê, nguyện vọng của mình, kèm theo đó là việc được chi trả mức lương đủ để gia đình bạn sống một cuộc sống thượng lưu và có được vị thế xã hội vững chắc tại bất kỳ đâu trên đất Mỹ.
Như vậy, ở thời điểm hiện tại, sẽ có 5 con đường chính như trên nếu bạn muốn trở thành công dân Mỹ, từ chương trình ‘Thẻ vàng’ quyền lực, kết hôn với công dân/thường trú nhân Mỹ, đến các con đường bảo lãnh gia đình, lao động EB-3, hay cụ thể là theo con đường nội trú y khoa đối với các bác sĩ chúng ta.
Mỗi con đường đều có những yêu cầu, chi phí và thời gian chờ đợi khác nhau, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng. Chính vì vậy, không có khuôn khổ chung cho tất cả mọi người. Tùy vào tình hình tài chính, kỹ năng, và mối quan hệ cá nhân, bạn có thể chọn mình và gia đình con đường phù hợp nhất để hiện thực hóa giấc mơ mà mình luôn ấp ủ.
Hi vọng rằng những chia sẻ này sẽ phần nào hữu ích cho bạn.
Hãy comment “yes” nếu bạn thích bài viết nhé.
Dr. Christina Nguyễn
Phoenix Medical Academy