
BÁC SĨ NỘI TRÚ TẠI MỸ CÓ ĐƯỢC ĐI LÀM THÊM HAY KHÔNG?
Tương tự như ở Việt Nam, trong thời gian đào tạo nội trú, các bác sĩ ở Mỹ ngoài tập trung vào công việc chính tại bệnh viện cũng có thể làm thêm (moonlighting) để tăng thu nhập và tích lũy kinh nghiệm.
1. Vậy moonlighting là gì?
Moonlighting là việc cho phép bác sĩ nội trú được làm thêm ngoài giờ tại bệnh viện mà họ đang công tác hoặc tại các cơ sở y tế khác, đặc biệt ở những vùng thiếu nhân lực như ngoại ô thành phố. Họ cũng có thể làm thêm vào các ngày lễ, Tết hoặc khi bác sĩ chính nghỉ phép.
2. Mức thu nhập từ moonlighting ra sao?
Đây là công việc mang lại nguồn thu cực kỳ hấp dẫn cho các bác sĩ nội trú khi thù lao thường dao động từ 100-500 USD/giờ, tùy thuộc vào chuyên khoa và địa điểm làm việc.
Bạn mình trước đây từng chia sẻ là cô ấy kiếm được gần $3000 cho 24 tiếng làm trong 1 cuối tuần. Và thực tế là mức lương này không hề hiếm. Những chuyên khoa như gây mê hồi sức hay bác sĩ tâm thần, mức lương còn cao hơn.
Ngoài lương theo giờ,, khi làm moonlight, bạn còn có thể nhận được các khoản hỗ trợ khác như:
- Chi phí khách sạn: Nếu công việc ở xa (cách nơi ở khoảng 1-2 giờ lái xe), bạn có thể được chỗ làm hỗ trợ chi phí/thuê trước khách sạn để có chỗ nghỉ ngơi.
- Tiền ăn: Một số nơi sẽ hỗ trợ chi phí ăn uống trong ca làm việc của bạn.
- Bảo hiểm hành nghề (malpractice insurance): Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng vì nó sẽ bảo vệ cho bạn trong trường hợp không may xảy ra các vấn đề pháp lý liên quan đến bệnh nhân. Một số nơi sẽ chịu trách nhiệm lo chi phí này cho bạn, một số nơi khác thì bạn cần tự mua.
Chính vì vậy, nếu bạn có sức khỏe, có thời gian và chịu cày thêm thì việc kiếm thêm vài chục ngàn đô từ công việc này là điều không quá xa vời.
3. Thời gian và tính chất công việc
Moonlighting có hai loại chính: internal (trong hệ thống nội trú) và external (làm ở bệnh viện ngoài). Mỗi loại mang đặc điểm riêng, ảnh hưởng đến tính chất công việc bạn sẽ làm.
Đối với internal moonlighting, bạn có thể đăng ký tham gia làm tăng ca tại bệnh viện sở tại nếu họ đang thiếu người, chẳng hạn như trực thêm ở khoa cấp cứu, ICU, trực ca đêm cho bệnh nhân nhập viện, v.v. Hầu hết bạn sẽ không phải lo về bảo hiểm hành nghề khi làm internal moonlighting.
Đối với external moonlighting, bạn có thể tìm các cơ hội thông qua các kênh môi giới (các công ty hoặc cá nhân chuyên cung cấp dịch vụ moonlighting). Khi có công việc phù hợp, các công ty này sẽ gửi thông báo qua email, tin nhắn hoặc điện thoại cho bạn để thông tin về thời gian, địa điểm, mức lương, và yêu cầu công việc cụ thể.
Nếu công việc đáp ứng được lịch trình, mức thu nhập và các yêu cầu khác của bạn, bạn có thể đồng ý và xin chấp thuận từ chương trình nội trú của bạn để bắt đầu làm thêm.
Công việc của external moonlighting thường sẽ đa dạng hơn – bạn có thể làm ở urgent care clinics, làm telemedicine, hoặc đi đến những bệnh viện ở những thành phố nhỏ lân cận đang cần người để trực khoa cấp cứu, trực đêm, làm thủ thuật, v.v.
Thường thì external moonlighting sẽ cho bác sĩ thu nhập cao hơn nhưng trách nhiệm cũng lớn hơn, vì đòi hỏi bác sĩ có khả năng làm việc độc lập, không có sự hướng dẫn hay giám sát của bác sĩ attending.
Thời gian làm việc cụ thể của mỗi công việc sẽ khác nhau tuỳ vào nhu cầu cụ thể của bên tuyển dụng. Ngoài ra, khi làm thêm, khối lượng công việc của bạn cũng sẽ rất biến thiên tùy thuộc vào địa điểm và thời điểm làm việc. Có những ngày rất đông bệnh nhân, công việc đòi hỏi cường độ cao nhưng cũng có những ngày ngày vắng vẻ, ít việc hơn. Trong ca trực 24 tiếng, khi ít bệnh, bạn cũng hoàn toàn có thể tranh thủ nghỉ ngơi.
4. Điều kiện để được làm thêm là gì?
Khác với những công việc bình thường, nếu đang trong quá trình đào tạo nội trú và muốn làm thêm, bạn buộc phải có sự đồng ý của giám đốc chương trình nội trú và các chứng chỉ cần thiết. Cụ thể như sau:
- Giấy phép hành nghề (full license): Bạn cần có giấy phép hành nghề đầy đủ tại tiểu bang bạn muốn làm việc. Để có giấy phép hành nghề này, bạn cần có USMLE step 3, đã hoàn tất 1 năm trở lên trong 1 chương trình đào tạo nội trú chính quy ở Mỹ (số năm cụ thể tuỳ vào tiểu bang), lý lịch sạch, kèm theo phí hồ sơ.
- Thời điểm được phép: Đa phần các chương trình sẽ cho phép bác sĩ nội trú từ năm thứ hai (PGY-2) trở đi tham gia moonlighting, với điều kiện họ có thành tích tốt và đảm bảo việc làm thêm không ảnh hưởng đến công việc chính.
- Sự đồng ý của giám đốc chương trình nội trú: Đây là điều kiện bắt buộc. Mọi bác sĩ nội trú cần được sự chấp thuận từ giám đốc chương trình đào tạo của mình. Điều này nhằm đảm bảo công việc làm thêm không ảnh hưởng đến hiệu suất và trách nhiệm chính trong chương trình nội trú.
- Giới hạn giờ làm việc: Theo ACGME, bác sĩ nội trú không được làm việc quá 80 giờ/tuần (tính trung bình trong 4 tuần), và phải có ít nhất 1 ngày nghỉ trong 7 ngày, cùng với giới hạn ca trực liên tục (tối đa 24 giờ + 4 giờ chuyển giao công việc). Quy định này áp dụng cho tất cả giờ làm việc. Chính vì thế, đối với hầu hết các chương trình nội trú, nếu bác sĩ nội trú muốn làm thêm, tổng số giờ làm việc (giờ nội trú + giờ làm thêm) không được vượt quá giới hạn này.
- Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp riêng (malpractice insurance): nếu moonlight ngoài hệ thống của chương trình nội trú, chi phí khoảng $5,000-$15,000/năm tùy chuyên ngành và bang.
5. Ưu tiên theo tình trạng cư trú
Tuy mức thù lao hấp dẫn là vậy nhưng không phải bác sĩ nội trú nào cũng có cơ hội được làm công việc này. Moonlighting thường sẽ ưu tiên cho các bác sĩ đã có quốc tịch hoặc thẻ xanh, tiếp theo là những bác sĩ đang giữ visa H1-B.
Dòng visa J1 hầu hết sẽ không được phép làm thêm.
Tóm lại, trong quá trình đào tạo nội trú tại Mỹ, bạn hoàn toàn có thể làm thêm nếu đáp ứng các điều kiện cần thiết. Với mức lương hấp dẫn và nhiều phúc lợi đi kèm, đây là cơ hội cực kỳ tốt để cải thiện thu nhập, phát triển kỹ năng chuyên môn và xây dựng các mối quan hệ nếu bạn có sức khỏe, thời gian và chịu khó “cày”.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, bạn sẽ cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sức khỏe và chất lượng công việc vì bản thân khối lượng công việc chính ở bệnh viện cũng đã rất mệt mỏi và áp lực.
Hy vọng rằng bài viết này đã cung cấp thêm cho một góc nhìn hữu ích về cuộc sống của bác sĩ nội trú tại Mỹ!
Hãy comment “yes” nếu bạn thích bài viết nhé!
Dr. Christina Nguyen
The Phoenix Medical Academy