
THỊ TRƯỜNG VIỆC LÀM CỦA BÁC SĨ TẠI MỸ THỜI KỲ TRUMP – Các chính sách mới của Tổng thống Trump ảnh hưởng đến việc làm của bác sĩ ở Mỹ như thế nào?
Thời gian gần đây, nền kinh tế Mỹ đã trải qua nhiều biến động đáng kể, từ chính sách thuế quan, quan hệ ngoại giao, đến việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, thậm chí có cả những trường hợp người đã có thẻ xanh bị trục xuất.
Bên cạnh đó, chính quyền tổng thống Trump cũng thực hiện tinh giảm nhân lực tại các tổ chức chính phủ, cắt giảm tài trợ cho nghiên cứu sinh và các trường đại học. Trong bối cảnh hỗn loạn ấy, nhiều người, đặc biệt là các bác sĩ trẻ Việt Nam, không khỏi băn khoăn về nhu cầu việc làm tại Mỹ, nhất là trong ngành y tế.
“Liệu bỏ ra bao nhiêu thời gian, công sức và tiền bạc để học bác sĩ, theo đuổi USMLE, rồi sang Mỹ có xin được việc làm ổn định không? Hay với những biến động không ngừng như hiện nay, mình lại phải làm những công việc tay chân để mưu sinh qua ngày?”
Những lo lắng này hoàn toàn dễ hiểu, khi các chính sách thay đổi chóng mặt – lúc đánh thuế cao, lúc tạm hoãn, lúc đòi sa thải nhân sự rồi lại “như chưa hề có cuộc chia ly”. Điều này gây ra tâm lý hoang mang không chỉ cho người dân Mỹ mà còn cho rất nhiều người trên thế giới. Bằng chứng là thị trường chứng khoán của nhiều quốc gia đã trải qua những cú sập lịch sự và giá vàng liên tục lập đỉnh do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư.
Dĩ nhiên mình không phải chuyên gia kinh tế, nhà chính trị hay nhà đầu tư xuất chúng.
Mình chỉ là một công dân Mỹ bình thường, một bác sĩ gia đình làm việc tại phòng khám tư nhân. Với góc nhìn đó, mình nhận thấy đời sống tại Mỹ hiện nay vẫn rất ổn định và có nhiều dấu hiệu khả quan. Tỷ lệ lạm phát CPI trong quý 1/2025 đang giảm dần, từ 3.0% vào tháng 1 xuống 2.4% vào tháng 3. Trật tự an toàn xã hội cũng khởi sắc, khi tỷ lệ phạm pháp giảm đáng kể nhờ chính quyền xử lý nghiêm khắc hơn.
Về nhu cầu nhân lực trong ngành y tế, làm việc trong phòng khám mang đến cho mình cơ hội tiếp xúc với rất nhiều người từ các hoàn cảnh và tầng lớp xã hội khác nhau. Công việc của mình hiện tại cực kỳ ổn định, lượng bệnh nhân đến khám mỗi ngày vẫn rất đông mà không hề có dấu hiệu suy giảm.
Phòng khám của mình thậm chí đang tuyển thêm rất nhiều nhân viên y tế, từ điều dưỡng đến bác sĩ lâm sàng. Là người đứng đầu phòng khám, mình cũng đang nỗ lực hết mình để tìm kiếm các ứng viên phù hợp, nhưng thực tế là nguồn cung bác sĩ rất hạn chế so với nhu cầu lớn khiến việc tuyển dụng gặp không ít khó khăn.
Điều này cho thấy cơ hội việc làm, phát triển sự nghiệp và kèm theo đó là thu nhập trong khối ngành sức khỏe tại Mỹ vẫn duy trì sự ổn định đáng kinh ngạc, bất chấp những biến động kinh tế và chính trị toàn cầu. Đây cũng là điều khiến mình luôn biết ơn mỗi ngày khi được làm việc trong một môi trường như vậy.
Thành thực mà nói thì dù ở trong thời gian nào, bối cảnh nào đi chăng nữa thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người cũng được đặt lên hàng đầu, nhất khi đất nước càng phát triển và người dân càng có của ăn của để thì nhu cầu ấy càng được quan tâm hơn nữa. Chính vì như vậy cho nên một khi đã lựa chọn sự nghiệp làm bác sĩ ở một quốc gia phát triển như Mỹ, mình cực kỳ an tâm về sự ổn định khi tìm kiếm việc làm.
Thêm vào đó, như đã đề cập ở bài viết trước, theo báo cáo của Hiệp hội các Trường Đại học Y khoa Hoa Kỳ (AAMC), Mỹ đang và sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt từ 13.500 đến 86.000 bác sĩ trong vòng 11 năm tới (đến năm 2036), đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ban đầu (primary care).
Nguyên nhân chính của tình trạng này bao gồm:
- Dân số tăng và già hóa: Dân số Mỹ đang tăng nhanh và già hóa, dẫn đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao.
- Làn sóng nghỉ hưu: Khoảng 20% bác sĩ hiện tại thuộc thế hệ baby boomer (sinh trước 1960) đang bước vào tuổi nghỉ hưu. Ngoài ra, 22% bác sĩ ở độ tuổi 55-64, nghĩa là gần một nửa lực lượng bác sĩ hiện tại sẽ nghỉ hưu trong 10 năm mình.
- Đào tạo kéo dài và tốn kém: Quá trình đào tạo bác sĩ tại Mỹ mất nhiều thời gian và chi phí, khiến nguồn cung bác sĩ trẻ không đáp ứng kịp nhu cầu.
Những yếu tố này làm cho nhu cầu nhân lực y tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các bác sĩ, kể cả những người chưa hoàn thành chương trình nội trú hay đã có việc làm ổn định, liên tục nhận được email và tin nhắn tuyển dụng từ các công ty y tế lớn nhỏ trên khắp đất nước.
Bản thân mình cũng không ngoại lệ. Chỉ trong ngày hôm nay, ngay trước khi viết bài viết này thôi, mình đã nhận được 3 email và 5 tin nhắn mời gọi làm việc với những đề nghị cực kỳ hấp dẫn: mức lương bác sĩ gia đình từ $350,000 trở lên, kèm theo $100,000 sign-on bonus (khoản thưởng khi ký hợp đồng rất hay gặp trong các job offer cho các bác sĩ, cách mà các công ty thường dùng để thu hút nhân tài và thể hiện sự cam kết với nhân viên mới), thêm vào đó là hỗ trợ chi phí di chuyển (relocation assistance), và chính sách hỗ trợ trả nợ khoản vay trước đây khi đi học (student loan repayment).
Những lời mời gọi như vậy không phải là điều mới mẻ. mình và các đồng nghiệp trong ngành đã liên tục nhận được chúng từ nhiệm kỳ trước của Tổng thống Trump, qua nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, và đến nay là nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Chính vì vậy, theo quan sát của bản thân, mình nhận thấy các chính sách của Tổng thống Trump cho đến thời điểm hiện tại không có tác động đáng kể đến nhu cầu nhân lực trong ngành y tế tại Mỹ.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng một số bác sĩ làm việc tại các cơ quan nhà nước, bệnh viện công, trung tâm nghiên cứu, trung tâm y tế cộng đồng, và các cơ quan y tế công cộng như CDC đã bị ảnh hưởng bởi chính sách tinh giảm nhân lực và cắt giảm tài trợ. Chẳng hạn, một số đồng nghiệp của mình tại các tổ chức như bệnh viện Veterans Affairs (VA) – chuyên chăm sóc cựu chiến binh – đã nhận thông báo nghỉ việc.
Nhưng vì hệ thống y tế Mỹ chủ yếu là tư nhân, chỉ có 15-20% lực lượng lao động y tế làm việc cho khu vực công, tương đương khoảng 2,4-3,2 triệu người, nên số lượng bị cắt giảm cũng cực kỳ hạn chế so với tổng nhân lực ngành y (16 triệu lao động). Bên cạnh đó, những bác sĩ này, với tay nghề và kinh nghiệm làm việc, sẽ dễ dàng tìm được việc làm tại các cơ sở y tế tư nhân với mức lương và phúc lợi hấp dẫn trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực hiện tại.
Tóm lại, dù chính quyền Trump có những chính sách gây xáo trộn ở nhiều lĩnh vực, ngành y tế tại Mỹ vẫn duy trì sự ổn định và tăng trưởng mạnh mẽ.
Với nhu cầu nhân lực ngày càng cao và nguồn cung bác sĩ hạn chế, các bác sĩ trẻ, những người từ Việt Nam muốn theo đuổi USMLE, có thể hoàn toàn yên tâm về cơ hội việc làm tại Mỹ. Đây là thời điểm mà ngành y tế không chỉ là một lựa chọn nghề nghiệp ổn định với mức lương xứng đáng mà còn mang lại nhiều triển vọng phát triển sự nghiệp lâu dài.
Hi vọng rằng những chia sẻ hôm nay của mình sẽ hữu ích cho bạn.
Hãy comment “yes” nếu bạn thích bài viết nhé!
Dr. Christina Nguyễn
Phoenix Medical Academy