
HỌC USMLE STEP 1 – CÁCH SỬ DỤNG UWORLD HIỆU QUẢ
I. PHÀN 1 - GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ
Khi bắt đầu học USMLE Step 1, một trong những công cụ phổ biến và hiệu quả nhất mà hầu hết các thí sinh sử dụng, bao gồm IMGs và cả các bạn sinh viên y ở Mỹ là UWorld.
Tuy phổ biến và nổi tiếng là vậy, nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng UWorld hiệu quả, thậm chí còn có một số hiểu lầm về cách sử dụng công cụ này dẫn đến việc các bạn có kết quả thi không như ý.
Chính vì vậy, trong bài viết hôm nay, mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm học USMLE Step 1 với UWorld một cách hiệu quả và thông minh, giúp bạn tiết kiệm hàng năm trời cho con đường làm bác sĩ tại Mỹ.
1. Mục Đích Thực Sự Của Việc Sử Dụng UWorld
Không ít người cho rằng UWorld là một bài thi thử, một công cụ đánh giá trình độ của bản thân, và nếu không đạt điểm cao ngay từ đầu thì họ chưa sẵn sàng để học tiếp với UWorld.
Mà thay vào đó, họ sẽ học lại từ đầu tất cả kiến thức nền của các môn trong bài thi, sau đó, khi họ nhớ tất cả kiến thức đó rồi, thì họ sẽ quay lại làm “bài thi thử UWorld”.
Nhưng sự thực là, bạn học xong một lượt hết kiến thức nền của tất cả môn như vậy, đến cuối cùng bạn lại quên sạch tất cả những gì mình vừa học, hay còn gọi là “học trước quên sau”.
Đây thật sự là một sai lầm rất lớn, làm tiêu tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và làm bạn nhụt chí đi rất nhiều.
UWorld là một tài liệu học tập, không chỉ là công cụ đánh giá hay một bài thi thử!
Điều quan trọng khi sử dụng UWorld là bạn không nên tập trung vào điểm số mà nên xem đó là công cụ giúp bạn học tập và ôn lại kiến thức. Mục tiêu của việc sử dụng UWorld là để học, không phải để kiểm tra trình độ của bản thân.
Đừng lo lắng khi ở giai đoạn mới bắt đầu, bạn làm một block mà sai quá nửa số câu hỏi, vì hầu hết mọi người đều như thế. Việc trả lời sai là một phần không thể thiếu của quá trình học.
Hãy cho bản thân cơ hội học hỏi từ những câu chưa đúng, đọc kỹ phần giải thích để hiểu rõ tại sao câu trả lời của bạn sai, và tại sao câu trả lời đúng lại là như thế. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để bạn ôn lại phần kiến thức mà mình còn hổng.
Qua thời gian, kiến thức nền của bạn sẽ được vun đắp lại dần, điểm của bạn cũng sẽ dần dần cải thiện. Nhưng một lần nữa, điểm số không phải là yếu tố quyết định.
Điều quan trọng là bạn có cơ hội thấy được các lỗ hổng trong kiến thức của mình, hiểu, và ghi nhớ được chúng, cũng như làm quen với đề thi, học được cách xử lý câu hỏi, các kỹ năng làm bài…
2. Đọc Kỹ Phần Giải Thích
Một trong những bí quyết hiệu quả để sử dụng UWorld là phải tận dụng hết mức phần giải thích (explanation).
Đây sẽ là nơi mà bạn được ôn lại những kiến thức chi tiết về các câu hỏi/chủ đề mà bạn trả lời sai. Rất nhiều trong số đó sẽ bao gồm cả sơ đồ, bảng biểu, và hình minh họa, giúp bạn hiểu rõ hơn về chủ đề vừa được hỏi.
Đừng cố gắng ghi đọc thuộc câu trả lời cho câu hỏi đó, vì xác suất bạn gặp lại chính xác câu hỏi đó trong đề thi thật sẽ gần như bằng 0. Thay vào đó, hãy chú trọng vào việc hiểu sâu và nhớ lâu những kiến thức trong phần giải thích, điều này sẽ giúp bạn làm lại được các câu hỏi về chủ đề tương tự trong tương lai.
Ví dụ, khi bạn gặp một câu hỏi về chủ đề chẩn đoán thiếu máu, phần giải thích không chỉ cung cấp câu trả lời đúng mà còn giải thích về bệnh lý, điều trị, và các yếu tố liên quan của bệnh này. Điều này sẽ giúp bạn củng cố kiến thức nền vững chắc, thay vì chỉ ghi nhớ câu trả lời đúng.
UWorld có những high-yield topics sẽ được lặp lại nhiều lần trong các block khác nhau (những chủ đề này cũng là những chủ đề được hỏi đi hỏi lại trong cái bài thi thật).
Chính vì vậy, việc học UWorld sớm và đúng cách sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc ghi nhớ kiến thức và thành công trong kỳ thi USMLE Step 1.
3. Chế Độ Thời Gian Khi Làm UWorld
Một sai lầm nữa mà nhiều thí sinh mắc phải là không bấm giờ khi làm UWorld.
Khi tham gia kỳ thi thật, bạn sẽ phải làm bài trong thời gian rất hạn chế. Và nếu không đặt mình vào chế độ thi thật khi học và làm bài thi thử thì 7 tiếng làm bài trong phòng thi sẽ trôi qua rất nhanh, dẫn đến việc kết quả thi không như ý.
Vì vậy, khi học, bạn hãy sử dụng UWorld theo chế độ timed mode để mô phỏng đúng như kỳ thi thật. Điều này sẽ giúp bạn quen với cách quản lý, phân bổ thời gian và áp lực tinh thần trong phòng thi.
Bạn có thể làm một block như vậy trong một giờ, sau đó xem giải thích, học các phần kiến thức bị hổng và tiếp tục làm các block tiếp theo. Như vậy không những sẽ rèn cho bạn khả năng phản xạ nhanh, chính xác, mà còn giúp bạn không bị phân tâm và giữ sự tập trung cao độ khi làm bài.
4. Chế Độ Random và System
Một câu hỏi nữa mà mình thường nhận được từ các bạn học viên là nên làm UWorld theo chế độ Random (Ngẫu nhiên) hay System (Hệ thống)?
Điều này sẽ tùy thuộc vào từng giai đoạn ôn thi cụ thể. Ví dụ:
Khi mới bắt đầu, bạn nên làm UWorld theo hệ thống (system-based) để tạo ra sự kết nối giữa các câu hỏi và các chủ đề kiến thức. Việc này cũng sẽ giúp bạn xây dựng mối liên hệ giữa các bệnh lý với các cơ chế, biểu hiện, cách điều trị… của chúng, từ đó hiểu sâu và nhớ lâu hơn một cách thụ động thông qua cơ chế spaced repetition (lặp lại ngắt quãng).
Sau khi đã quen với các câu hỏi theo hệ thống và có một kiến thức nền nhất định, bạn có thể chuyển sang chế độ random để mô phỏng phong cách hỏi của đề thi USMLE.
5. Dành Bao Nhiêu Thời Gian Cho UWorld Là Hợp Lý?
Ngân hàng câu hỏi UWorld có hơn 3,600 câu hỏi cho kỳ thi USMLE Step 1. Nếu mỗi ngày học được 1 block (tương đương với 40 câu hỏi), bạn sẽ cần khoảng 90 ngày để hoàn thành vòng đầu tiên (dĩ nhiên thời gian có thể thay đổi phụ thuộc vào tốc độ học bài của bạn).
Ở vòng đầu, mục tiêu là học và hiểu, không phải chỉ để hoàn thành số lượng câu hỏi, nên tốc độ học có thể chậm hơn. Tuy nhiên, với cố gắng và nỗ lực của bạn, dần dần nó sẽ tiến bộ theo thời gian.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi này, bạn sẽ có thể cần học UWorld từ 2-3 lần như vậy để nắm chắc và ghi nhớ toàn bộ lượng kiến thức khổng lồ.
II. PHẦN 2 - GIAI ĐOẠN VỀ ĐÍCH
Khi đã trải qua giai đoạn ôn luyện và nắm vững các kiến thức nền tảng với UWorld và Board and Beyond, giai đoạn chuẩn bị cho kỳ thi đòi hỏi bạn phải chuyển đổi cách sử dụng UWorld từ một công cụ học tập sang một công cụ đánh giá năng lực (self-assessment).
Điều này giúp bạn đo lường mức độ sẵn sàng và chuẩn bị chiến lược tốt nhất cho bài thi USMLE Step 1.
1. Tại Sao Nên Dùng UWorld Như 1 Self-Assessment (Bài Thi Thử)?
Trong giai đoạn này, mục tiêu chính không còn là học thêm kiến thức mới mà là:
- Đánh giá mức độ sẵn sàng xem liệu rằng sau quá trình ôn luyện thì kiến thức lý thuyết và kỹ năng làm bài của bạn đã đủ chắc để đạt được số điểm mục tiêu (220+)?
- Phát hiện các phần kiến thức bị hổng: Những concept/system nào bạn còn yếu/đã quên?
- Xây dựng và hoàn thiện chiến lược làm bài: Học cách phân bổ, mô phỏng thời gian như hôm thi thật, cách xử lý câu hỏi khó, duy trì sự tập trung suốt 8 tiếng đồng hồ…
UWorld nổi tiếng trong giới USMLE là một ngân hàng câu hỏi chất lượng, bám sát đề thi thật. Chính vì vậy, bên cạnh các loại self-assessment khác, UWorld cũng là một công cụ cực kỳ phù hợp để đánh giá năng lực trong giai đoạn này.
2. Cách Sử Dụng UWorld Để Đánh Giá Năng Lực
a. Làm Full Blocks Theo Chế Độ Timed Mode
- Mặc định trong đầu mỗi lần ôn luyện là một lần thi thật
- Chọn chế độ timed mode và làm từng block 40 câu trong 1 giờ, giống như điều kiện thi thật.
- Không dừng lại để xem giải thích hoặc chỉnh sửa câu trả lời.
b. Sử Dụng Chế Độ Random
Ở giai đoạn này, bạn nên làm câu hỏi ở chế độ random để mô phỏng cách các câu hỏi xuất hiện ngẫu nhiên trong bài thi thật. Điều này giúp bạn rèn luyện khả năng chuyển đổi nhanh giữa các concept và giảm cảm giác bất ngờ khi đi thi.
c. Phân Tích Kết Quả Một Cách Chi Tiết
- Sau khi hoàn thành mỗi block, hãy quan sát kỹ không chỉ là tỷ lệ câu trả lời đúng mà còn:
- Câu hỏi sai: Mình đã sai ở những chủ đề nào và lý do tại sao?
- Thời gian trung bình: Mình có mất quá nhiều thời gian cho một số câu hỏi cụ thể nào không?
d. Định Kỳ Làm Full-Length Assessments
- Sử dụng UWorld để làm bài kiểm tra dài như buổi thi thật (280 câu, 7 blocks) cách kỳ thi khoảng 4-6 tuần.
- Tạo môi trường làm bài giống đề thi thật: bắt đầu làm bài vào 7:30-9h sáng và làm liên tục 7 block trong vòng 8 tiếng.
- Với việc làm quen với môi trường thi thật, bạn có thể đánh giá khả năng duy trì sự tập trung trong suốt 8 tiếng làm bài và làm quen với áp lực thời gian. Bên cạnh đó cũng điều chỉnh được chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi sao cho bản thân đạt được phong độ tốt nhất tại ngày thi.
3. Kết Hợp UWorld Với Các Bài Self-Assessment Khác
Dù UWorld cũng là một công cụ được đánh giá là tốt và hiệu quả, bạn cũng nên kết hợp nó với các bài kiểm tra đánh giá khác như:
- Bộ đề NBME: Là 31 bài thi thử dự đoán điểm số chính xác nhất, nhất là các bài mới phát hành gần đây. Nhược điểm duy nhất là bạn sẽ cần phải trả 1 khoản phí tầm 50-60$ cho mỗi bài kiểm tra như vậy.
- Free 120: Bài thi thử được biên soạn bởi chính USMLE, được phát hành hằng năm (tương tự như đề thi thử vào đại học của bộ giáo dục). Đề thi sẽ có đáp án chính xác đi kèm, tuy nhiên, sẽ không có phần giải thích chi tiết đáp án như UWorld.
4. Khi Nào Thì Đủ Sẵn Sàng Đi Thi?
Một trong những câu hỏi thường gặp nhất là: “Mình cần đạt điểm bao nhiêu trong các bài self-assessments để tự tin đi thi?“
Câu trả lời là bạn sẽ cần đạt số điểm từ 220-230 trở lên trong các bài UWorld Self-Assessments hoặc NBME để có thể có kết quả an toàn trong kỳ thi Step 1.
Đây là điểm số này cho thấy bạn đã nắm vững kiến thức cơ bản và có khả năng làm bài để đạt điểm tốt ngay cả khi bị ảnh hưởng bởi áp lực thi thật.
Nếu điểm thi thử của bạn chưa đạt mốc này, hãy review lại chiến lược học tập và phân bổ thời gian hợp lý, bên cạnh đó là lấp đầy các lỗ hổng kiến thức và điều chỉnh chế độ sinh hoạt hợp lý trước khi thực hiện các bài self-assessment tiếp theo.
Cuối cùng, sự thành công trong chuẩn bị, chính là sự chuẩn bị cho thành công. Hy vọng rằng những chia sẻ hôm nay của mình sẽ giúp bạn sử dụng UWorld một cách thông minh hơn. Bên cạnh đó, với lòng quyết tâm và việc có một chiến lược phù hợp, mình tin rằng bạn sẽ đạt được kết quả mong muốn!
Hãy comment “yes” nếu bài viết hữu ích cho bạn nhé.
Dr. Christina Nguyễn
Phoenix Medical Academy.