Match Day dành cho bác sĩ nội trú K49 của Đại học Y Hà Nội vừa diễn ra và đón nhận nhiều sự quan tâm của mọi người. Vì thế mình cũng muốn chia sẻ thêm một số thông tin về nội trú y khoa Mỹ để bạn có thêm góc nhìn mới về nghề Y ở đây.
Lưu ý: Những thông tin dưới đây về kỳ thi và chương trình BSNT của Đại học Y Hà Nội hoàn toàn do mình tìm hiểu được từ một số hạn chế các nguồn tin, nên nếu có điều gì chưa đúng bạn sửa giúp mình với nhé.
1. Về quy mô:
Khác với ở Việt Nam, thi nội trú chỉ dành riêng cho các bác sĩ có nguyện vọng và chỉ được thi một lần duy nhất ngay sau khi bạn tốt nghiệp, thì ở Mỹ thi đậu nội trú là bắt buộc để bạn có thể hành nghề một cách hợp pháp, không có giới hạn về số lần, số chương trình đăng ký/1 lần, cũng như số tuổi khi bạn đăng ký nội trú.
Chính vì vậy, quy mô của kỳ thi này là vô cùng lớn.
Chỉ riêng trong năm 2024 đã có 50,413 thí sinh đăng ký tham dự, bao gồm các bác sĩ ở Mỹ (AMG) và các bác sĩ đủ điều kiện từ mọi nơi trên thế giới (IMG).
Đã có đến 38,494 (trên tổng số 50,413) thí sinh được nhận vào 6,395 chương trình đào tạo nội trú trên toàn nước Mỹ, chiếm ~ 76,4%.
Trải qua 72 năm lịch sử, số lượng thí sinh đăng ký và các chương trình đào tạo không ngừng tăng qua các năm, đây cũng là những con số lớn nhất được ghi nhận cho đến thời điểm hiện tại.
2. Hình thức tham gia
Ở Việt Nam, quá trình tuyển chọn dựa vào một kỳ thi duy nhất (hình thức trắc nghiệm hoặc tự luận tùy thuộc vào từng trường). Ví dụ, ở YHN, kỳ thi này sẽ bao gồm các môn Cơ sở (Giải phẫu, Sinh lý, Hóa sinh, Sinh Học), Chuyên Ngành 1 (Nội, Nhi), Chuyên Ngành 2 (Ngoại, Sản).
Sau khi có kết quả thi tuyển, các em từ điểm cao đến thấp sẽ có quyền chọn chuyên khoa mà mình yêu thích, hoàn toàn không cần phải phỏng vấn với lãnh đạo/BS chính/BSNT ở chuyên khoa đó.
Ở Mỹ, quá trình này diễn ra rất phức tạp và có một hệ thống lớn chuyên trách cho mảng này, gọi là NRMP Match. Chính vì vậy, gọi là đăng ký Nội trú Y khoa Mỹ sẽ đúng hơn là “thi nội trú Mỹ”.
Ngoài các kỳ thi trắc nghiệm bắt buộc như Step 1 (hỏi kiến thức của tất cả các môn y học cơ sở), Step 2 CK (hỏi về việc áp dụng kiến thức Y khoa vào thực hành lâm sàng), OET (dành cho IMG), thì để nạp hồ sơ vào 1 chương trình nội trú bất kỳ, bạn cần có thư giới thiệu (LOR), CV, bài luận cá nhân (PS), tham gia các công trình nghiên cứu, các chương trình tình nguyện,…
Đặc biệt bạn cần vượt qua vòng hồ sơ để được phỏng vấn trực tiếp với các chương trình nội trú.
Ở vòng này, những ứng viên có điểm thi Step 2 cao hơn chưa chắc đã chắc suất được gọi phỏng vấn hơn những ứng viên còn lại.
Các chương trình nội trú ở Mỹ đề cao tính phù hợp về mặt con người, tính cách của một ứng viên với chương trình của họ hơn là những số điểm thật cao.
Chính vì vậy, họ sẽ sàng lọc kỹ các ứng viên, từ khâu đọc bài luận, CV để gửi thư mời phỏng vấn cho đến từng chi tiết nhỏ mà bạn thể hiện trong buổi phỏng vấn của mình.
Sau khi quá trình phỏng vấn (thường kéo dài 4 tháng) kết thúc, các thí sinh sẽ nộp danh sách nguyện vọng của mình, đồng thời, các chương trình cũng sẽ gửi lên hệ thống các ứng viên mà họ cho là phù hợp.
Quá trình Matching sẽ được hệ thống tính toán, sàng lọc sao cho các chương trình và ứng viên phù hợp sẽ ghép đôi được với nhau. Kết quả sẽ được công bố và gửi về email cho các ứng viên vào tháng 3 hằng năm.
3. Các chuyên khoa “hot” trong năm nay
Thay vì Da liễu như những năm trước đây thì năm nay chúng ta chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục của Sản Phụ Khoa khi liên tục thủ khoa, á khoa đều chọn đầu quân cho bộ môn này, liên tục như vậy, chỉ cần đến STT 26 thì đã “cháy” slot.
Ngoài ra Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Nhi khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Ung thư, và Da liễu cũng là những chuyên khoa mà các em top đầu “chọn mặt gửi vàng”.
Ở Mỹ, năm nay ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng của khối Primary Care, bao gồm: BS Gia đình, Nội, Nhi & Nội Nhi, chiếm 46,8% số lượng các các ứng viên được nhận!
Ngoài ra, đây cũng là năm chứng kiến sự phục hồi của chuyên ngành Cấp cứu, sau 2 năm liên tục suy giảm số lượng vì áp lực làm việc trong thời kỳ Covid.
Sản phụ khoa cũng là một trong những chuyên ngành hot nhất mọi thời đại khi có đến 99.6% các vị trí BSNT trong ngành này được lấp đầy và tỷ lệ này cũng chưa bao giờ ở dưới mức 99% trong vòng 5 năm qua!
4. Đời sống các bác sĩ nội trú
Mình tin rằng dù ở Việt Nam hay Mỹ thì quá trình đào tạo nội trú đối với mọi bác sĩ đều vô cùng vất vả và áp lực khi khối lượng công việc là vô cùng lớn.
Hầu như cuộc sống mọi người sẽ chỉ xoay quanh bệnh viện và phòng trọ, thời gian ăn uống ngủ nghỉ cũng không có là bao, mỗi tuần làm việc đến 80 tiếng hoặc có khi hơn.
Tuy nhiên, bù lại, ở Việt Nam, một khi đã vào được nội trú thì tương lai của bạn chắc chắn sẽ vững vàng hơn các bạn đồng trang lứa.
Bạn sẽ được học tập chuyên sâu về chuyên ngành mình chọn dưới sự hướng dẫn của các thấy cô giỏi top đầu cả nước chuyên ngành đó, được công tác ở những tuyến đầu, được tiếp xúc với nhiều mặt bệnh khó hơn, vì thế mà bạn cũng “cứng nghề” hơn rất nhiều.
Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp là điều không cần bàn cãi. Vào được trường Y bạn đã là tinh hoa của đất nước, vào được nội trú thì lại càng là tinh hoa của những tinh hoa.
Đây cũng là sự tự hào và đền đáp xứng đáng sau hơn 20 năm đèn sách không ngừng của các em.
Ở Mỹ, BSNT tuy vất vả nhưng đây được coi là một nghề và sẽ có được lương thưởng cũng như các chế độ đãi ngộ lao động khác.
Trung bình họ sẽ nhận được số lương bình quân của công dân Mỹ ~ $63.000. Số lương này sẽ tăng lên đáng kể, ít nhất là $250.000 ~ 6,3 tỷ ngay sau khi tốt nghiệp (chưa tính làm ngoài giờ). Lương này sẽ còn tăng theo kinh nghiệm, mức độ hoàn thành tốt công việc,…
Một số ngành đặc thù còn có thể offer số lương gấp 2, gấp 3 như vậy.
Với thu nhập này, các bác sĩ luôn nằm trong top 5% của nước Mỹ. Vừa có được chỗ đứng xã hội, vừa được đảm bảo vững chắc về mặt kinh tế.
Tuy nhiên, học phí các trường Y ở Mỹ rất cao nên khi tốt nghiệp các bác sĩ thường nợ chính phủ ~ $250.000. Dẫu vậy, với mức thu nhập như trên, họ thường trả hết nợ trong vòng ít năm sau đó. Đặc biệt, với những người biết chi tiêu một cách hợp lý thì chuyện mua nhà mua xe và trở thành triệu phú chỉ là vấn đề thời gian.
Tựu chung lại, dù ở đâu đi chăng nữa, trở thành bác sĩ nói chung và BSNT nói riêng, các bạn đều rất xuất sắc. Mình luôn tin tưởng và tự hào vào thế hệ bác sĩ trong thời đại mới, chính các bạnh sẽ là những người kế thừa, phát huy những thành tựu của Y học thế giới, cũng như đưa nền Y học nhân loại phát triển đến đỉnh cao rựu rỡ.
Những so sánh trên của mình hoàn toàn không có ý chê cái này khen cái kia hay bất kỳ diều gì khác ngoài đưa đến thêm cho bạn một góc nhìn và một hướng đi mới.
Chọn nghề Y là chọn vất vả, là áp lực, là sự cô đơn, nhưng đổi lại là niềm hạnh phúc khi thấy nụ cười, sự hồi phục và tiến triển của bệnh nhân. Chúc các bạn dồi dào sức khỏe, chân cứng đá mềm để hoàn thành tốt con đường mình đã chọn.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về nghề Y tại Mỹ và con đường trở thành bác sĩ tại Mỹ dành cho các bạn sĩ ở Việt Nam, hãy để lại dưới phần comment nhé.
Chúc bạn ngày mới nhiều niềm vui.