
LƯƠNG SAU THUẾ CỦA BÁC SĨ TẠI MỸ LÀ BAO NHIÊU?
“Làm bác sĩ ở Mỹ lương cao nhưng trừ thuế rồi chẳng còn được bao nhiêu!”
Đây là comment mà mình nhận được nhiều nhất sau video nói về mức thu nhập của các bác sĩ ở Mỹ.
Vậy thực tế có đúng như vậy không? Mà sao ai sang Mỹ cũng than thở về việc đóng thuế? Liệu “tư bản” Mỹ có lấy hết số tiền lương của các bác sĩ và chỉ để lại một mức tối thiểu để họ trang trải cuộc sống hằng ngày.
Hôm nay mình muốn chia sẻ và “vén màn sự thật” về vấn đề tế nhị và ít được đề cập đến trong xã hội ngày nay, cho dù là ở Mỹ hay cả ở Việt Nam dựa trên kinh nghiệm sống hơn 20 năm ở Mỹ và với tư cách là một người bác sĩ đã làm việc trong hệ thống Y tế của Mỹ gần 10 năm.
1. Thuế thu nhập của các bác sĩ ở Mỹ là bao nhiêu?
Ở Mỹ, chỉ cần bạn đi làm có tiền thì sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Thuế thu nhập liên bang được áp dụng theo biểu thuế lũy tiến, với mức cao nhất là 37% cho thu nhập trên 539.900 USD (đối với người độc thân) hoặc 647.850 USD (đối với cặp vợ chồng khai thuế chung). Ngoài ra, còn có thuế thu nhập tiểu bang, dao động từ 0% đến 13,3% tùy theo bang cư trú.
Tổng thuế suất (liên bang và tiểu bang) mà bác sĩ phải đóng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng hôn nhân, số lượng con cái, các khoản khấu trừ và tín dụng thuế…
Trung bình, bác sĩ có thể chịu mức thuế tổng cộng từ 25% đến 36%.
2. Thu nhập trung bình của bác sĩ so với người dân Mỹ
Theo thống kê của Medscape năm 2023, thu nhập trung bình của bác sĩ tại Mỹ là khoảng 363.000 USD ~ 9.2 tỷ mỗi năm. Trong khi đó, thu nhập trung bình của một người Mỹ là khoảng $59,384 ~ 1,5tỷ/năm.
Như vậy, ngay cả sau khi trừ 30% thuế, bác sĩ vẫn có thu nhập ròng khoảng 254.100 USD ~ 6.4 tỷ/năm, lớn hơn rất nhiều so với thu nhập trung bình người dân Mỹ, đủ để họ và gia đình có một cuộc sống thoải mái về tài chính.
Nhiều gia đình chỉ cần một người làm bác sĩ, người còn lại có thể ở nhà chăm sóc con cái mà vẫn duy trì được mức sống sung túc (nếu không vung tay quá trán).
3. Mức thuế thu nhập ở các quốc gia khác
Ở các quốc gia phát triển, thuế thu nhập cá nhân thường khá cao, đặc biệt đối với những người có thu nhập cao như bác sĩ.
Ví dụ:
- Ở Đức: Hệ thống thuế lũy tiến với mức thuế cao nhất lên đến 45% đối với thu nhập trên 277.826 EUR (khoảng 7,3 tỷ VNĐ).
- Ở Úc: Mức thuế cao nhất là 45% cho thu nhập trên 180.000 AUD (khoảng 2,9 tỷ VNĐ).
- Anh: Thuế suất cao nhất là 45% cho thu nhập trên 150.000 GBP (khoảng 4,7 tỷ VNĐ).
- Pháp: Mức thuế cao nhất là 45% cho thu nhập trên 160.336 EUR (khoảng 4 tỷ VNĐ).
- Canada: Mức thuế cao nhất là 33% cho thu nhập trên 253,414 CAD (khoảng 4,5 tỷ VNĐ).
- Nhật Bản: Mức thuế cao nhất là 45% cho thu nhập trên 40 triệu JPY (khoảng 6,7 tỷ VNĐ).
Như bạn có thể thấy ở trên, nhiều quốc gia trên thế giới có mức thuế cao hơn Mỹ rất nhiều, đặc biệt đối với những người có thu nhập tốt ở các quốc gia phát triển. Mức thuế cao nhất thường dao động từ 45% đến 50%, thậm chí ở các nước châu Âu, tổng thuế và các khoản đóng góp xã hội có thể lên đến 60%.
Vả lại, mình nghĩ mình được ở một quốc gia ổn định và có điều kiện để có một công việc thu nhập tốt thì việc đóng thuế cũng là một nghĩa vụ tất yếu của mỗi công dân.
Nhờ những khoản thuế này, chính phủ có thể cung cấp các dịch vụ công cộng và phúc lợi xã hội cho những người kém may mắn hơn trong xã hội. Đơn cử như việc chăm sóc y tế, giáo dục miễn phí, bữa ăn trưa tại trường học, và trợ cấp hàng tháng cho những người có thu nhập thấp.
Ví dụ, tại Mỹ, nếu bạn có thu nhập thấp, bạn có thể đủ điều kiện để nhận bảo hiểm y tế miễn phí thông qua chương trình Medicaid. Con cái của bạn cũng có thể được học miễn phí tại các trường công lập và nhận các bữa ăn trưa miễn phí nếu gia đình bạn đáp ứng các tiêu chí thu nhập nhất định.
Ngoài ra, còn có rất nhiều chương trình trợ cấp thiết thực cho những người nhập cư mới, bao gồm cả người Việt Nam. Các chương trình này có thể bao gồm hỗ trợ về nhà ở, đào tạo nghề, học tiếng Anh, và trợ cấp tài chính tạm thời để giúp họ ổn định cuộc sống.
Vậy tất cả những trợ cấp này đến từ đâu? Đều đến từ thuế!
Chính vì thế, việc đóng thuế không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là cách chúng ta đóng góp vào sự phát triển của xã hội, đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có cơ hội tiếp cận các dịch vụ cơ bản và có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đối với những người có thu nhập cao như bác sĩ, việc đóng thuế không làm cuộc sống của họ chật vật về mặt tài chính, ngược lại còn giúp cho được rất nhiều người yếu thế hơn. Với mình đây cũng là một loại hạnh phúc khi giúp đỡ được người khác.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về vấn đề này?
Dr. Christina Nguyễn
The Phoenix Medical Academy