
3 LƯU Ý DÀNH CHO NHÂN VIÊN Y TẾ CÓ DỰ ĐỊNH HÀNH NGHỀ Y TẠI MỸ
Trong bài viết chia sẻ về mức thu nhập của các bác sĩ tại Mỹ gần đây, mình nhận được một câu hỏi vui rằng: “Bác sĩ làm việc ở Omaha, NE, vậy đã bao giờ khám cho Warren Buffet chưa?” (vì đây chính là quê hương của tỷ phú nổi tiếng này).
Câu hỏi này không chỉ mang tính chất vui vẻ mà còn gợi mở một vấn đề quan trọng: quyền riêng tư và bảo mật thông tin bệnh nhân – một trong những nguyên tắc hàng đầu trong ngành y tế tại Mỹ.
Hành nghề y tế tại đất nước này là một cơ hội cực kỳ lớn, nhưng đi kèm với đó là những quy định cực kỳ nghiêm ngặt mà bất kỳ nhân viên y tế nào cũng phải tuân thủ, đặc biệt là về vấn đề bảo mật thông tin bệnh nhân.
Nhất là khi bạn mới chuyển từ Việt Nam qua và chưa quen với môi trường làm việc trong ngành y tại Mỹ, việc nắm rõ các quy định để tránh phạm phải những sai lầm không đáng có là việc cực kỳ cần thiết. Vì chỉ một sai sót nhỏ, dù là vô tình, cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả sự nghiệp và cuộc sống của bạn.
1. Không chia sẻ thông tin bệnh nhân dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào
Trong quá trình hành nghề, bạn có thể gặp những bệnh nhân nổi tiếng như tổng thống, ca sĩ, diễn viên, người mẫu nổi tiếng, bà hàng xóm, hay thậm chí là một người vô gia cư.
Dù là ai đi chăng nữa, bạn tuyệt đối không được chia sẻ bất kỳ thông tin nào về tình trạng sức khỏe, thông tin cá nhân, hay thậm chí việc bạn là người điều trị cho họ nếu không có được sự đồng ý của người đó.
Thông tin bệnh nhân chỉ được chia sẻ với những người có liên quan trực tiếp đến quá trình điều trị và chăm sóc.
Bao gồm:
- Bác sĩ và nhân viên y tế trong đội ngũ điều trị.
- Nhân viên hành chính liên quan đến việc quản lý hồ sơ, thanh toán (billing), hoặc các thủ tục giấy tờ cần thiết.
Ngoài những người này ra, bất kỳ ai khác đều không có quyền truy cập vào thông tin bệnh nhân.
Việc truy cập, chia sẻ và tiết lộ thông tin bệnh nhân, dù là vô tình hay cố ý, dưới bất kỳ hình thức nào đều vi phạm nghiêm trọng luật pháp Mỹ và có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
2. Hậu quả nghiêm trọng khi vi phạm quyền riêng tư của bệnh nhân
Hệ thống y tế tại Mỹ được trang bị công nghệ hiện đại với hệ thống bệnh án điện tử để theo dõi và bảo vệ thông tin bệnh nhân.
Nếu bạn là nhân viên y tế, bác sĩ chính thức hoặc bác sĩ nội trú tò mò truy cập vào hồ sơ của một bệnh nhân mà bạn không liên quan, chỉ cần một cú nhấp chuột, hệ thống sẽ ngay lập tức gửi thông báo về việc truy cập trái phép. Bạn sẽ bị yêu cầu giải thích lý do tại sao lại xem thông tin của bệnh nhân đó. Nếu không có lý do chính đáng, bạn có thể bị đuổi việc ngay lập tức.
Không chỉ dừng lại ở đó, vi phạm này sẽ trở thành một vết nhơ trong hồ sơ nghề nghiệp của bạn, khiến bạn gặp khó khăn khi xin việc tại các cơ sở y tế khác trong tương lai.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bạn còn có thể bị kiện, phạt một số tiền khổng lồ hoặc thậm chí đối mặt với án tù.
Điều này đã được quy định rõ ràng trong Đạo luật HIPAA (Health Insurance Portability and Accountability Act) – một đạo luật được ban hành từ năm 1996, nhằm bảo vệ quyền riêng tư và thông tin sức khỏe của bệnh nhân.
Một số điểm chính của HIPAA bao gồm:
- Bảo vệ thông tin sức khỏe điện tử (ePHI): Các cơ sở y tế phải đảm bảo an toàn khi lưu trữ và truyền tải thông tin bệnh nhân.
- Quyền của bệnh nhân: Bệnh nhân có quyền biết ai được phép truy cập thông tin của họ và có thể yêu cầu sao chép hồ sơ bệnh án.
- Hình phạt nghiêm khắc: Vi phạm HIPAA có thể dẫn đến phạt tiền từ vài trăm đến hàng triệu USD, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng.
3. Lời khuyên dành cho những nhân viên y tế mới và những ai có dự định qua Mỹ hành nghề
Khi mới đến Mỹ để học tập, thực tập, hoặc làm việc trong lĩnh vực y tế, bạn cần học và nắm rõ luật HIPAA ngay từ những ngày đầu tiên.
Dù bạn là sinh viên y khoa, bác sĩ nội trú, thực tập sinh hay tình nguyện viên, bạn đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo mật thông tin. Vì chỉ cần một lần sơ suất duy nhất, dù là vô tình hay cố ý, bạn vẫn phải chịu hậu quả như thường.
Ở Mỹ, việc bảo vệ quyền riêng tư của bệnh nhân không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là đạo đức nghề nghiệp của mỗi nhân viên y tế. Điều này không chỉ giúp bản thân mình tránh được rủi ro mà còn xây dựng uy tín và sự tin cậy trong sự nghiệp của bạn
Không biết vấn đề này ở Việt Nam thì như thế nào nhỉ? Bạn hãy chia sẻ thêm giúp mình với nhé.
Hãy comment “yes” nếu bài viết hữu ích cho bạn.
Dr. Christina Nguyễn
The Phoenix Medical Academy.