
“MÌNH CÓ DỰ ĐỊNH VỀ VIỆT NAM CỐNG HIẾN KHÔNG?”
Đây là câu hỏi mà mình nhận được khá nhiều khi chia sẻ về cuộc sống hiện tại của mình ở Mỹ.
Sau hơn 20 năm kể từ ngày đầu tiên bước chân xuống máy bay, mình đã trải qua rất nhiều thăng trầm cuộc sống tại xứ cờ hoa này.
Từ những ngày không một xu dính túi, mua chiếc áo cũ 5 đồng còn phải đưa lên đặt xuống, đến hiện tại là một bác sĩ ở Mỹ, nằm trong hội triệu phú mới nhú và có một cuộc sống sung túc bên gia đình nhỏ tại đây.
Vậy rồi mình có dự định về Việt Nam làm việc trong tương lai gần không?
Câu trả lời của mình sẽ là không. Mình không có ý định về Việt Nam làm việc.
Lý do đầu tiên và cũng là lý do lớn nhất mà mình muốn ở lại đó là vì khi làm bác sĩ ở Mỹ, mình có điều kiện về tài chính hơn. Đó là đòn bẩy quan trọng nhất đối với mình, khi mà mình được trả lương bằng đô la và mức lương ấy thuộc vào top 5% những người có thu nhập cao nhất tại Mỹ.
Khi về Việt Nam, chắc chắn lương của mình sẽ giảm đi rất nhiều. Và đó là một sự thay đổi rất lớn đến bản thân và gia đình mình.
Trừ khi có một bệnh viên quốc tế nào đó ở Việt Nam, chẳng hạn như Vinmec, họ mong muốn mời các bác sĩ Mỹ gốc Việt như mình về làm việc cho họ, kèm theo đó là một gói đãi ngộ hấp dẫn tương đương với công việc hiện tại thì như vậy, phần nào đó mình sẽ cân nhắc trở về Việt Nam làm việc cho những bệnh viện đó.
Nhưng với thời điểm hiện tại, với tình mặt bằng chung của các bệnh viện, phòng khám ở Việt Nam, mình không nghĩ là mình sẽ về.
Có thể bạn sẽ hỏi rằng:
- Tại sao mình lại như vậy?
- Tại sao mình không mong muốn về để đóng góp cho quê hương Việt Nam?
- Hay là đi Mỹ rồi “dính tí nước biển lại quên mùi cá ao”?
Tổng bí thư Tô Lâm đã phát biểu tại đại học Colombia trong chuyến thăm Mỹ gần đây của ông:
“Không phải chỉ ở Việt Nam, nếu mà các bạn có điều kiện tiếp tục học tập, đóng góp cho đất nước, kể cả các bạn có đang học ở Hoa Kỳ, đóng góp cho Hoa Kỳ, chúng tôi cũng rất khuyến khích. Đây không phải là suy nghĩ mình làm cho đất nước mình, cho dân tộc mình, mà cái quan niệm của mình là nó ở cái tầm quốc tế, tầm nhân loại, để mà làm sao chúng ta tiếp tục có tiếng nói chung, có sự thống nhất để đạt được mục tiêu cao nhất của đất nước, mà trong đó cũng có trách nhiệm đối với những vấn đề chung của quốc tế, của thế giới.”
Mình cũng rất đồng tình với ông.
Không phải cứ về Việt Nam thì mới có thể đóng góp hay cống hiến cho quê hương Việt Nam, mà ở bất cứ nơi đâu trên thế giới chúng ta đều có thể hướng về quê hương Việt Nam, bằng cách này hay cách khác.
Mình vẫn có rất nhiều chương trình, khóa học hoàn toàn miễn phí, bên cạnh đó là sự hỗ trợ, chia sẻ để giúp đỡ, kể cả về vật chất lẫn kinh nghiệm cho các bạn trẻ, các thế hệ đồng nghiệp nhỏ tuổi hơn.
Khi bước chân ra nước ngoài, mình học hỏi được những điều hay, những tư duy mới mẻ, mình sẽ chia sẻ lại cho các bạn trẻ ở Việt Nam, hy vọng rằng phần nào đó sẽ giúp cho họ vươn ra thế giới.
Ngoài ra, mỗi năm gia đình mình đều cố gắng thu xếp về Việt Nam du lịch từ vài tuần đến một tháng, đem những đồng đồng đô la kiếm được tại Mỹ về để phát triển du lịch quê hương.
Dù ít ỏi và không thể so sánh được với các bậc vĩ nhân tiền bối của đất nước, nhưng mình nghĩ đó đều là những cách mà những người con tha hương như mình có thể đóng góp hiệu quả cho đất nước, bằng tất cả kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực của mình.
Một điều nữa là lý do vì sao mình nói rằng mình thu nhập mà công việc này ở Mỹ rất quan trọng với mình.
Thứ nhất, nguồn thu nhập này không chỉ giúp mình lo cho bản thân mà còn cho gia đình, con cái của mình. Bên cạnh đó, chỉ khi mà mình có điều kiện kinh tế, có sự ổn định và sung túc về mặt tài chính ở Mỹ thì mình mới có khả năng để làm những việc thiện nguyện cho cộng đồng ở Việt Nam.
Giả sử nếu mình homeless hay làm không đủ ăn, thì dù có ở Mỹ hay ở Việt Nam, làm sao mình có thể có tiền dư ra để làm từ thiện, hoặc có chăng cũng chỉ ở trong một giới hạn nhất định.
“Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa.”
Hai nữa, mình là một người luôn có tinh thần trách nhiệm.
Nhưng cái trách nhiệm trước nhất là mình cần phải có trách nhiệm đối với con cái.
Mình muốn các con của mình được lớn lên ở một môi trường tốt ở Mỹ, rồi nó được đi học, được tham gia vào những bộ môn thể thao và các hoạt động phát triển năng khiếu. Mình muốn cuộc sống của nó được như vậy, và trách nhiệm của một người mẹ như mình là phải tạo điều kiện và đảm bảo đời sống tài chính để chúng nó có được cuộc sống đó.
Cái trách nhiệm tiếp nữa, là phận làm con, mình cũng muốn cho mẹ của mình một cuộc sống sung túc đầy đủ ở tuổi xế chiều.
Thứ nhất tu nhà, thứ 2 tu chợ, thứ 3 tu chùa.
Mình nghĩ rằng trước khi nghĩ đến việc làm tình nguyện cho bất kỳ ai khác trong cộng đồng, chúng ta cần làm tròn trách nhiệm với gia đình mình trước. Có thể sau này, khi các con mình đã lớn và vào đại học, gia đình mình sẽ về Việt Nam nhiều hơn để du lịch, để khám bệnh hoặc dạy tiếng Anh miễn phí.
Đó là những dự định cho tương lai. Còn trong thời điểm hiện tại, mình cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống ở Mỹ và mình sẽ vẫn luôn cố gắng để đóng góp và hỗ trợ cho cộng đồng Việt Nam nhiều nhất có thể.
Mong rằng mình sẽ có thật nhiều sức khỏe để làm tròn trách nhiệm với bản thân, gia đình và đóng góp được nhiều hơn nữa cho xã hội.
Cám ơn bạn vì đã luôn đồng hành và ủng hộ mình trong từng dự định nhỏ nhất.
Dr. Christina Nguyễn
The Phoenix Medical Academy.