ĐÀO TẠO NỘI TRÚ Y KHOA MỸ NHƯ THẾ NÀO?
Có nhiều bạn hỏi mình,
“Chị ơi, học nội trú ở Mỹ đóng học phí bao nhiêu tiền?”
Qua câu hỏi thôi thì mình đã thấy có nhiều sự hiểu lầm về quá trình đào tạo nội trú Y Khoa tại Mỹ nên mình muốn dùng bài viết này để giúp làm sáng tỏ một vài điều về “Nội Trú Y Khoa Mỹ”.
Bạn không cần đóng học phí để đào tạo nội trú Y Khoa Mỹ. Ngược lại, bạn còn được trả lương! Theo thống kê Medscape 2020, thì mức lương trung bình của bác sĩ nội trú là tầm 64 ngàn đô la/năm.
Lương sẽ được tăng lên mỗi năm. Năm 1 trung bình là 57 ngàn đô/năm, năm 2 trung bình 60 ngàn/năm, năm 3 trung bình 62 ngàn/năm, v. v…
Bên cạnh đó, bạn còn sẽ được hưởng các lợi ích như được nghỉ đi chơi (vacation), nghỉ sau sinh (maternity/paternity leave), bảo hiểm sức khỏe (health insurance), bảo hiểm thương tật (disability insurance), bảo hiểm nhân thọ (life insurance), tiền để dành về hưu (retirement plan), tiền phụ cấp ăn uống (meal allowance).
Lý do bác sĩ nội trú được trả lương và những lợi ích như vậy là vì bác sĩ nội trú được xem như là một người lao động chứ không phải là một người đi học.
Vì thế, nói là đào tạo nội trú thì đúng hơn là “học nội trú”.
I. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NỘI TRÚ Ở MỸ
1. Đăng ký vào nội trú Y Khoa Mỹ như thế nào?
Mình biết có nhiều bác sĩ đăng ký vào nội trú mấy lần mới được nhận. Có người nghỉ 1-2 năm sau khi tốt nghiệp trường Y để làm nghiên cứu rồi mới đăng ký vào nội trú.
Đây là một điều vô cùng lợi ích cho các bác sĩ không tốt nghiệp Y tại Mỹ, vì có thể dành thời gian ôn luyện và đăng ký nhiều lần, đến khi vào được thì thôi.
Và các trường thường giữ bảo mật hồ sơ của ứng cử viên, nên ví dụ bạn đăng ký vào trường A năm ngoài mà không nhận được, năm nay bạn đăng ký vào trường B, thì trường B cũng không biết là bạn có quá khứ không được nhận.
Và số lượng chương trình đào tạo nội trú ở Mỹ thì rất nhiều! Nội tổng quát có hơn 400 chương trình, Bs gia đình có hơn 700 chương trình, v.v.
2. Đào tạo nội trú Y Khoa Mỹ có bắt buộc không?
Khác với Việt Nam và những nước khác, đào tạo nội trú chỉ dành cho những bác sĩ xuất sắc và muốn phấn đấu.
Ở Mỹ tất cả bác sĩ đều phải qua đào tạo nội trú mới được hành nghề, để đảm bảo chất lượng của bác sĩ.
Chính vì vậy, nếu bạn muốn làm bác sĩ tại Mỹ, thì hãy tìm hiểu về chương trình đào tạo nội trú Mỹ ngay từ bây giờ.
II. CÁC BƯỚC ĐỂ ĐĂNG KÝ VÀO NỘI TRÚ Y KHOA MỸ
ĐIỀU QUAN TRỌNG ĐẦU TIÊN LÀ BẠN CẦN CÓ GIẤY CHỨNG NHẬN CỦA TỔ CHỨC ECFMG.
Mục đích của giấy chứng nhận là để các trường ở Mỹ biết rằng bạn đã được đào tạo Y Khoa “tương đương” với tiêu chuẩn các bác sĩ được đào tạo tại Mỹ.
Như vậy thì họ mới “yên tâm” nhận bạn vào chương trình của họ. Nhận một bác sĩ vào đào tạo là một trách nhiệm và nếu bs nội trú không thành công thì sẽ tổn hại đến uy tín của trường đó sau này.
1. Làm sao để có giấy chứng nhận này?
Để có giấy chứng nhận của ECFMG, trước hết trường Y và niên khóa Y bạn học cần nằm trong danh sách những trường ECFMG chấp nhận là đủ tiêu chuẩn theo phía Mỹ đòi hỏi. Bạn có thể xem video cách xác định tại đây.
Nếu trường bạn hợp lệ, thì bạn cần bắt đầu hồ sơ xin giấy chứng nhận online. ECFMG sẽ phối hợp với trường Y của bạn để xác nhận là bạn đã tốt nghiệp.
Tiếp đến bạn cần phải vượt qua kỳ thi USMLE Step 1 và Step 2 CK (2 kỳ thi kiểm tra KIẾN THỨC Y Khoa căn bản và Y Khoa lâm sàng).
Để kiểm tra KỸ NĂNG Y khoa lâm sàng, trước đây có kỳ thi USMLE Step 2 CS, nhưng giờ do đại dịch COVID-19 nên không còn nữa. Thay vào đó, bạn sẽ phải đậu kỳ thi OET và đăng ký theo 1 trong 6 pathways (hướng) để thực hiện.
Lưu ý: Dù bạn chọn Pathway nào thì bạn cũng cần đậu kỳ thi OET —(Occupational English Test Medicine). Mình thấy tại VN thì có tổ chức thi tại Huế.
6 pathways nghe khá phức tạp, nhưng tóm tắt lại thì chỉ có 2 pathways là áp dụng được cho bác sĩ tốt nghiệp ở Việt Nam.
Pathway 1: Áp dụng cho những bác sĩ đang có chứng chỉ hành nghề độc lập tại Việt Nam, và chưa bao giờ thi rớt Step 2 CS trong quá khứ dù chỉ 1 lần.
Pathway 6: Dành cho bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam hoặc nếu ĐÃ từng thi rớt Step 2 CS trong quá khứ dù chỉ 1 lần.
Hướng đi này đòi hỏi sự xác nhận và đánh giá của tối thiểu 3 bác sĩ tại Mỹ về kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân và kỹ năng lâm sàng của bạn cho 6 ca (mỗi bác sĩ tối đa 2 ca).
Đánh giá này được chấm điểm theo các tiêu chuẩn—Khai thác bệnh sử, Kỹ năng khám, Khả năng giao tiếp và tác phong chuyên nghiệp, và Khả năng suy luận đánh giá tình huống lâm sàng.
2. Sau khi được ECFMG certification thì làm gì?
Lúc này bạn có thể nộp hồ sơ đăng ký vào các chương trình nội trú ở Mỹ.
Bạn cũng được phép đăng ký thi USMLE Step 3 (là kỳ thi cuối cùng). Thường thì các bác sĩ ở Mỹ vào năm 1 nội trú rồi mới thi Step 3, nhưng bạn có thể gây ấn tượng tốt mới các trường nếu bạn ghi điểm cao trong kỳ thi này. (Trường sẽ an tâm về khả năng và trình độ của bạn).
Vậy câu hỏi là:
Đối với sinh viên Y, khi nào thì nên bắt đầu chuẩn bị cho hồ sơ đăng ký nội trú Mỹ?
Bạn nên chuẩn bị càng sớm càng tốt. Chuẩn bị bằng cách phối hợp đọc/ nghe/ xem video tài liệu Tiếng Anh trong quá trình học Y.
Trau dồi khả năng giao tiếp bằng Tiếng Anh với bệnh nhân theo tiêu chuẩn Mỹ, và khi bạn bước vào Y5, Y6 thì tích cực ôn luyện cho USMLE step 1 và step 2 CK.
Ở phần tới, mình sẽ chia sẻ thêm về các tài liệu ôn thi USMLE, hãy comment “yes” nếu bạn muốn nghe thêm về chủ đề này.
Dr. Christina Nguyễn
~ The Phoenix Medical Academy