
Tiếp nối series “CHUẨN BỊ KẾ HOẠCH QUA MỸ“, hôm nay mình sẽ tiếp tục chia sẻ phần 3 với chủ đề: TUẦN ĐẦU Ở MỸ CẦN PHẢI LÀM NHỮNG GIẤY TỜ GÌ?
Sau khi tìm được một chỗ ở tạm thời để ở tại Mỹ, điều quan trọng nhất bạn cần làm chính là hoàn tất các thủ tục, giấy tờ cần thiết để bắt đầu cuộc sống mới ở đây.
1. Mua SIM điện thoại và đăng ký mạng tại Mỹ
Một trong những điều đầu tiên bạn cần sau khi đặt chân xuống Mỹ là có SIM để liên lạc và vào mạng. Ở Mỹ, wifi thường không phổ biến như ở Việt Nam, nhất là wifi công cộng như ở các cửa hàng, quán xá, chính vì vậy, ai cũng sẽ cần đăng ký mạng di động khi ra đường.
Trước hết, bạn cần tìm cho mình một nhà mạng phù hợp.
Các nhà mạng lớn và uy tín ở Mỹ bao gồm: T-Mobile, AT&T, hoặc Verizon.
- T-Mobile nổi tiếng với giá cả hợp lý, thích hợp cho bạn nếu ở các thành phố lớn.
- AT&T có vùng phủ sóng rộng hơn, đặc biệt ở cả các khu vực nông thôn.
- Verizon thì có dịch vụ chất lượng cao và mạng mạnh, nhưng giá thường cao hơn một chút.
Mỗi nhà mạng như vậy thường có rất nhiều gói cước, bạn có thể chọn gói cước phù hợp với nhu cầu sử dụng của bản thân. Các gói cơ bản thường bao gồm:
- Dữ liệu di động (data): Truy cập mạng trên điện thoại.
- Gọi điện và nhắn tin không giới hạn (unlimited calls and texts).
Chi phí gói cước dao động ~ 30 – 50 USD/tháng, tùy thuộc vào số GB dữ liệu mà bạn cần.
Để mua SIM và kích hoạt các gói cước như vậy, bạn có thể đến trực tiếp các cửa hàng nhà mạng hoặc các đại lý bán lẻ, nhân viên sẽ hỗ trợ bạn đăng ký và kích hoạt SIM ngay tại chỗ.
Bên cạnh đó, nếu bạn muốn chủ động hơn, bạn hoàn toàn có thể mua SIM và đăng ký các gói cước từ Việt Nam để sử dụng ngay khi đến Mỹ.
T-Mobile, Mint Mobile, hoặc AT&T thường cho phép bạn đặt SIM và chọn gói cước trực tuyến từ Việt Nam. Sau khi đặt, SIM có thể được gửi đến địa chỉ bạn yêu cầu tại Mỹ (hoặc một số đơn vị có dịch vụ chuyển SIM về Việt Nam).
Sau khi đăng ký gói cưới thoại và internet trên điện thoại thành công, nếu chỗ ở của bạn chưa có wifi, thì bạn cũng cần đăng ký thêm dịch vụ internet tại nhà.
Các nhà mạng phổ biến tại Mỹ mà bạn có thể lựa chọn:
- Comcast Xfinity: Cung cấp gói cước giá cả phải chăng và tốc độ cao.
- Spectrum: Dịch vụ không yêu cầu hợp đồng dài hạn, phù hợp với người mới.
- AT&T/Verizon: Có thêm ưu đãi nếu bạn đã dùng SIM của họ.
Chi phí cho gói cơ bản của các nhà mạng này thường dao động từ 30 – 70 USD/tháng.
2. Hoàn tất các giấy tờ và thủ tục quan trọng
- Cập nhật địa chỉ:
-
- Điều này sẽ giúp bạn nhận được các thông báo hoặc các tài liệu cần thiết từ trường học, nơi làm việc, hoặc bệnh viện
- Đối với trường học hoặc bệnh viện: Hãy liên hệ bộ phận hành chính qua email để gửi địa chỉ mới, và đảm bảo rằng cung cấp chính xác mã ZIP Code của địa chỉ.
- Bạn cần đăng ký tài khoản trên trang USCIS Change of Address và cập nhật trực tuyến tại đây.
- Mở tài khoản ngân hàng:
-
- Bạn có thể đến các ngân hàng lớn ở Mỹ như Bank of America, Chase, hoặc Wells Fargo.
- Khi đi, hãy mang theo các giấy tờ cần thiết như:
- Hộ chiếu
- Visa Mỹ
- I-94 (hồ sơ nhập cảnh, có thể tải từ trang web chính phủ Mỹ)
- Hợp đồng lao động (nếu có)
- Bằng chứng địa chỉ tại Mỹ: Thư từ, hóa đơn điện nước, hoặc hợp đồng thuê nhà (in ra bản giấy để trình bày nếu cần).
- Đăng ký số an sinh xã hội (SSN):
-
- Nếu bạn đủ điều kiện ((có visa lao động (như H-1B, J-1) hoặc đang làm nghiên cứu/học tập có kèm thực tập hưởng lương)), thì bạn cần đăng ký số an sinh xã hội (SSN) để khai thuế, mở tài khoản tín dụng, hoặc đăng ký bảo hiểm xã hội.
- Cách thực hiện như sau:
- Tìm văn phòng Social Security Administration (SSA) gần nhất qua trang web SSA.
- Lên lịch hẹn trước qua hệ thống trực tuyến để tiết kiệm thời gian.
- Mang theo giấy tờ cần thiết:
- Hộ chiếu.
- Visa và I-94.
- Thư từ nơi làm việc hoặc trường học xác nhận nhu cầu sử dụng SSN (nếu có).
3. Mua bảo hiểm sức khỏe
Chi phí y tế ở Mỹ rất cao, một lần khám bệnh có thể lên tới hàng trăm – hàng ngàn USD, chưa kể tiền làm các xét nghiệm, thủ thuật hoặc rủi ro nếu bạn phải nằm viện. Chính vì thế, hãy tìm hiểu và mua bảo hiểm sức khỏe sớm, ngay khi bảo hiểm du lịch của bạn hết hạn, để tránh các chi phí y tế cao bất ngờ.
Các lựa chọn bảo hiểm phổ biến:
- Dành cho sinh viên quốc tế:
- ISO Student Health Insurance: Giá cả hợp lý, phù hợp cho sinh viên nếu ở ngắn hạn.
- University Health Plan: Mua thông qua trường học, thường rẻ hơn so với tự mua.
- Dành cho người mới định cư hoặc làm việc tại Mỹ:
- Cigna Global hoặc IMG: Cung cấp các gói bảo hiểm linh hoạt, có thể đăng ký ngắn hoặc dài hạn tùy nhu cầu.
- Mua qua nhà cung cấp dịch vụ địa phương: Liên hệ các công ty bảo hiểm tại bang bạn ở như Blue Cross Blue Shield hay UnitedHealthcare. Đây là những công ty bảo hiểm lớn nhất nước Mỹ.
Cách đăng ký:
- Nghiên cứu gói bảo hiểm phù hợp thông qua trang web của nhà cung cấp hoặc email hỏi hỗ trợ từ trường/nơi làm việc.
- Điền đơn đăng ký trực tuyến.
- Thanh toán qua thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản.
Hy vọng những chia sẻ hôm nay của mình về các thủ tục này sẽ giúp bạn sớm ổn định và dễ dàng hòa nhập vào cuộc sống mới tại Mỹ.
Chúc bạn có một khởi đầu suôn sẻ và thành công!
Nếu bạn muốn biết thêm về chủ đề nào về cuộc sống ở Mỹ, hãy comment và cho mình biết nhé. Mình rất sẵn lòng giải đáp cho bạn trong những bài viết tiếp theo.
Dr. Christina Nguyễn
Phoenix Medical Academy.