
XONG NỘI TRÚ THÌ BÁC SĨ Ở MỸ CÒN CỰC KHÔNG?
Sau khi mình chia sẻ về những góc khuất của các bác sĩ nội trú tại Mỹ mà mình vừa chia sẻ gần đây, có bạn nhắn tin hỏi mình rằng “Vậy sau xong nội trú rồi thì bác sĩ ở Mỹ có đỡ vất vả hơn không?”
Bản thân đã trải qua những năm tháng đào tạo nội trú ở Mỹ và giờ là bác sĩ làm việc chính thức tại Mỹ, mình cũng muốn nhân đây chia sẻ với bạn theo góc nhìn và trải nghiệm của mình để bạn có thêm thông tin.
1. Thời gian làm việc và đời sống cá nhân
Đúng là trong quá trình đào tạo nội trú, bác sĩ nội trú có khi phải làm đến 80 giờ/tuần. Bản thân mình cũng đã từng rất căng thẳng và bị áp lực về thời gian và sức khoẻ. Thành thực mà nói thì 3 năm nội trú cũng là khoảng thời gian vất vả nhất mà cả cuộc đời mình đã từng trải qua.
Nhưng cũng may là thời gian đó chỉ kéo dài 3 năm mà thôi. Sau khi trở thành bác sĩ chính thức, thì cuộc sống của mình đã trở nên “dễ thở” và tự do hơn rất nhiều. Khi đã có chứng chỉ hành nghề tại Mỹ, mình có được sự to do để lựa chọn công việc phù hợp theo sở thích và cách sống của bản thân.
Đối với mình, ngoài công việc và phát triển sự nghiệp, mình cũng coi trọng đời sống sức khoẻ và tinh thần. Mình muốn có thời gian cho gia đình và bản thân, để cuộc sống được cân bằng. Mình muồn được nghỉ ngơi và giữ gìn sức khỏe của bản thân thay vì “cày” thật nhiều để kiếm tiền thật nhanh.
Chính vì vậy ngay từ lúc tìm việc làm, mình đã xác định rõ là mình chỉ muốn làm tại phòng khám theo giờ hành chính. Và điều may mắn đó chính là chuyên khoa bác sĩ gia đình ở Mỹ cho mình cơ hội để sống một cuộc sống như thế.
Lúc mình tìm việc làm thì có rất nhiều sự lựa chọn – làm phòng khám, làm phòng khám và bệnh viện, làm ở khoa cấp cứu, làm ở thành phố, làm ở ngoại ô, v.v. Phải nói rằng bạn muốn một cuộc sống như thế nào, công việc như thế nào, bạn cũng chắc chắn kiếm được việc làm!
Bạn bè của mình, cũng có người đi theo con đường làm phòng khám giống mình. Có người thì chọn làm bệnh viện hoàn toàn – trực 7 ngày nghỉ 7 ngày. Có người lại chọn vừa làm bệnh viện, vừa trực cấp cứu, vừa đỡ đẻ.
Mỗi lựa chọn công việc như vậy đương nhiên sẽ đi kèm những mức lương và phúc lợi khác nhau. Dĩ nhiên, làm càng nhiều và càng có nhiều trách nhiệm thì lương bổng và phúc lợi cũng sẽ cao hơn.
Bản thân mình, qua bao nhiêu năm làm việc, mình vẫn rất hài lòng và mãn nguyện với lựa chọn của bản thân. Mình vừa được đi làm công việc chuyên môn của mình, vừa được dành thời gian cho hai con đang tuổi ăn tuổi lớn, vừa có được thời gian cho bản thân. Mỗi tuần mình chỉ làm giờ hành chính, và cuối tuần, lễ, Tết, mình cũng hoàn toàn không cần phải đi làm hay đi trực.
Khi trở thành bác sĩ chính thức, tuy khối lượng công việc và giờ làm giảm đi rất nhiều nhưng thu nhập của các bác sĩ lại tăng vọt, từ ~ 65.000 USD lên đến 250.000 USD+ (lương khởi điểm) mỗi năm, tùy chuyên khoa.
Đây là mức lương gấp 4-5 lần thu nhập trung bình của một người Mỹ và nằm trong top những ngành nghề có thu nhập cao nhất nước Mỹ. Chưa kể nếu bạn làm bác sĩ chuyên khoa hay làm ngoài giờ, làm lâu năm thì mức lương còn cao hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ được hưởng các phúc lợi cực kỳ tốt hơn như bảo hiểm y tế toàn diện, quỹ hưu trí, 4-5 tuần nghỉ phép mỗi năm, cơ hội bảo lãnh để lấy thẻ xanh và quốc tịch… Chi tiết mức lương thưởng và các phúc lợi cho các bác sĩ chính mình đã có đề cập trong các bài viết trước, bạn có thể tham khảo tại đây nhé.
Đây là phần thưởng cực kỳ xứng đáng cho bạn sau những năm tháng vất vả ở trường y và các chương trình nội trú.
Cho đến hiện tại, mình cực kỳ mãn nguyện với công việc mà mình đã lựa chọn và theo đuổi. Ngoài mức lương cao và phúc lợi đầy đủ thì mình cũng có rất nhiều cơ hội thăng tiến và phát triển trong công việc.
Chẳng hạn, sau một thời gian công tác thì mình cũng may mắn được bổ nhiệm lên làm leader của phòng khám. Ngoài ra, công ty của mình cũng tạo điều kiện cho mình có nhiều cơ hội để tham gia những khóa coaching, những chương trình phát triển kỹ năng leadership. Các lãnh đạo của công ty mình cũng rất cầu thị lắng nghe và ghi nhận những đóng góp từ bác sĩ.
3. Áp lực và stress
Nếu như trong thời gian nội trú, áp lực của bạn chủ yếu đến từ khối lượng công việc, thiếu thời gian nghỉ ngơi và bên đó là phải chứng minh năng lực và cạnh tranh với đồng nghiệp, thì khi đã trở thành bác sĩ chính thức, áp lực giờ đây lại chủ yếu xuất phát từ trách nhiệm với bệnh nhân và nguy cơ kiện tụng nếu xảy ra sai sót.
Dĩ nhiên, bác sĩ phải luôn luôn cẩn thận trong từng quyết định, đặc biệt khi đối mặt với các ca khó mà không có ai để tham khảo ý kiến. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo khắc nghiệt, bạn sẽ tôi luyện được kiến thức, kinh nghiệm và học được cách kiểm soát stress để hoàn thành công việc.
Các khía cạnh khác như giao tiếp với bệnh nhân hoặc làm việc với giấy tờ, bảo hiểm cũng vậy. Sau thời gian đào tạo nội trú, bác sĩ đã có nhiều kinh nghiệm để thành thục xử lý những công việc này, và cũng đã quen với cách làm việc.
Nhìn lại hành trình gần 10 làm việc trong ngành y tại Mỹ, mình nhận ra rằng mỗi giai đoạn đều có những khó khăn và giá trị riêng.
Đào tạo nội trú là quãng thời gian đầy thử thách nhưng cũng là nền tảng cực kỳ quan trọng cho sự nghiệp của mỗi người bác sĩ. Khi trở thành bác sĩ chính thức rồi, tuy không còn nhiều vất vả, có sự tự do, và được hưởng nhiều quyền lợi hơn nhưng cũng phải đối mặt với trách nhiệm lớn lao hơn.
Sự thay đổi giữa hai thời kỳ này không chỉ là bước tiến trong sự nghiệp, mà còn là hành trình trưởng thành cả về chuyên môn lẫn cuộc sống cá nhân.
Và để trả lời câu hỏi ở trên “Vậy sau xong nội trú rồi thì bác sĩ ở Mỹ có đỡ vất vả hơn không?” thì mình phải công nhận rằng xong nội trú rồi cuộc sống bác sĩ chắc chắn sẽ đỡ vất vả hơn.
Tất nhiên đã là công việc thì sẽ luôn có những thử thách, nhưng điều quan trọng là bạn có nhiều sự tự do để lựa chọn công việc sao cho hợp với cách sống, ưu tiên, và những giá trị của bản thân, mà không còn bị gò bó bởi những quy định của chương trình đào tạo nội trú nữa.
Hi vọng rằng những chia sẻ hôm nay của mình sẽ hữu ích cho hành trình chinh phục giấc mơ trở thành bác sĩ tại Mỹ của bạn.
Hãy comment “yes” nếu bạn thích bài viết nhé!
Dr. Christina Nguyen
The Phoenix Medical Academy